Sau đây là giải đáp của THẠC SỸ THANH PHƯỢNG tư vấn về một số câu hỏi thường gặp:
1. Xin cho biết cụ thể hơn về mụn trứng cá? Nguyên nhân nào gây phát sinh mụn trứng cá? Tại sao mụn trứng cá thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên?
Mụn trứng cá (bệnh trứng cá) biểu hiện trên da là hiện tượng viêm nang lông tuyến bã. Tuyến bã là các tuyến nằm dưới da, cạnh lỗ chân lông, bài tiết chất nhờn giúp da mềm mại và có độ ẩm nhất định.
Khi các tuyến này tiết nhiều, miệng tuyến bã bị bịt kín do sừng hóa, bụi bẩn… các chất nhờn sẽ tích tụ tạo thành nhân mụn. Trường hợp có sự tác động của các vi khuẩn như: P.acnes có sẵn trong nang lông tuyến bã tăng sinh, các tụ cầu, P. ovale… bội nhiễm từ ngoài gây nên mụn mủ, mụn bọc…
Nếu không bị nhiễm trùng thì sẽ tạo thành mụn đầu trắng, bị bịt kín. Khi mụn đầu trắng bị hở ra bên ngoài và gặp hiện tượng oxy hóa thì phần ngoài của nhân mụn sẽ trở thành màu đen, nên gọi là mụn đầu đen.
Mụn trứng cá thường khởi phát vào thời kỳ thanh thiếu niên (nên Đông y gọi là Thanh Xuân đậu). Ở tuổi này, cùng với sự phát triển nhanh về cơ thể, các tuyến mồ hôi và tuyến bã cũng phát triển và bài tiết mạnh hơn. Kết hợp với tâm lý nóng vội, chăm sóc da không đúng cách khiến mụn càng nặng, lâu khỏi và dễ tái phát hơn.
2. Các yếu tố như: Căng thẳng thần kinh (stress, mất ngủ, thức khuya… ), lạm dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, bôi corticoid, táo bón, ăn uống không điều độ (ăn nhiều chất cay nóng, đường, mỡ, uống café, rượu nhiều…) có liên quan gì đến mụn trứng cá?
Không phải là nguyên nhân chính, nhưng các tác nhân trên khiến mụn trứng cá nặng thêm hoặc có khi cũng là nguyên nhân gây mọc mụn trứng cá.
Mặc dù chưa có những nghiên cứu được công bố rộng rãi nhưng một số báo cáo khoa học cũng như thực tế đều cho thấy yếu tố ăn uống, sinh hoạt, tâm lý ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng nổi mụn trứng cá.
Nếu như việc ăn quá nhiều chất béo, chất ngọt, chất cay nóng khiến cho lượng bài tiết chất nhờn của da tăng theo thì yếu tố căng thẳng thần kinh, sinh hoạt không điều độ ảnh hưởng tới sức khỏe, do đó gián tiếp tới việc tăng tiết bã nhờn của các tuyến nội tiết.
Do vậy, lời khuyên cho những người bị trứng cá nên ăn uống, sinh hoạt điều độ.
3. Mụn trứng cá có liên quan đến tình trạng “gan nóng” trong Đông y không?
Theo quan điểm YHCT thì phần lớn mụn trứng cá do phong nhiệt tích tụ ở kinh phế sinh ra (phế chủ bì mao), hoặc do huyết nhiệt, hoặc do ăn nhiều chất cay nóng, dầu mỡ sinh thấp nhiệt tích tụ trên da, hoặc do tỳ chuyển hoá kém (tỳ chủ vận hoá) làm giảm quá trình thanh thải nhiệt độc trong cơ thể…ảnh hưởng tới cân bằng sinh lý da gây nên mụn trứng cá (còn gọi là Thanh xuân đậu).
4. Phương pháp điều trị hiệu quả mụn trứng cá?
Tuy trứng cá là bệnh ngoài da nhưng việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn và bệnh dễ tái phát. Hiện nay, các thuốc trị trứng cá phổ biến là các chế phẩm bôi ngoài da với mục đích chống viêm nhiễm, giảm sừng hoá da, tạo sự thông thoáng cho lỗ chân lông và làm tan nhân mụn.
Trong trường hợp trứng cá nặng, bội nhiễm, các kháng sinh đường uống cũng được chỉ định. Để điều trị hiệu quả mụn trứng cá, xu hướng mới là kết hợp các chế phẩm bôi ngoài da có tác dụng tại chỗ với các chế phẩm uống từ thảo dược, song song với việc duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý được xem như một cách giải quyết bệnh từ bên trong, tạo tác dụng hiệp đồng giúp điều trị tận gốc mụn trứng cá, ngăn ngừa mụn mọc thêm, giảm mụn tái phát.
5 . vậy bài thuốc đông y chữa chị mụn trứng cá tôt nhất hiện nay là gì thưa thạc sỹ ?
Tỳ bà thanh phế ẩm gia giảm
Thành phần: Tỳ bà diệp 12g, sinh địa 15g, tang bạch bì 12g, xích thược, địa cốt bì, đan bì, hoàng cầm, sinh sơn chi (sơn chi để sống) mỗi vị 10g; sinh thạch cao 30g, bạch hoa xà thiệt thảo 30g, sinh cam thảo 6g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Tác dụng: Tả phế thanh nhiệt, lương huyết giải độc.
Ứng dụng: Thích ứng với trường hợp mụn trứng cá do “phế nhiệt” (tang phế bị nhiệt) gây nên, biểu hiện bởi các triệu chứng: mụn thường xuất hiện trên má và trên trán. Đầu tiên những nốt sần, rồi viêm tấy, đỏ, đau, có cảm giác nóng rát. Đồng thời kèm theo những triệu chứng toàn thân như mặt đỏ bừng từng cơn, đầu lưỡi đỏ tía, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch sác (đập rất nhanh, trên 80-90 lần/phút).
Nhân trần cao thang gia giảm
Thành phần: Sinh địa 15g, xích thược 10g, nhân trần 30g, sinh sơn chi 10g, hoàng cầm 10g, hoàng bá 10g, đại hoàng 10g (cho vào sau), bồ công anh 20g, sinh ý dĩ 30g, xa tiền thảo 15g, sinh cam thảo 6g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.
Tác dụng: Thanh nhiệt hóa thấp thông phủ.
Ứng dụng: Thích ứng với trường hợp mụn trứng cá do “thấp nhiệt” gây nên, biểu hiện bởi các triệu chứng: mụn thường xuất hiện ở khu vực phía dưới hai má và ở cằm, phần da bị tổn thương đỏ ửng, có những đốm đỏ, nốt sần, hoặc mưng mủ, ngứa cục bộ. Đồng thời kèm theo những triệu chứng toàn thân như bụng đầy trướng, kém ăn, họng khô, miệng háo, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác (nhanh, chạy lúc nhúc như chuỗi hạt châu).
Tứ quân tử hợp nhị trần thang gia giảm
Thành phần: Đẳng sâm 10g, phục linh 12g, bạch truật 10g, sơn dược 12g, bán hạ chế 6g, trần bì 10g, bạch giới tử 10g, đan sâm 15, xa tiền tử 10g (gói lại), bạch hoa xà thiệt thảo 15g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.
Tác dụng: Kiện tỳ hóa đàm, lợi thấp thanh nhiệt.
Ứng dụng: Thích ứng với trường hợp mụn trứng cá do “tỳ hư đàm thấp” gây nên, biểu hiện bởi các triệu chứng: mụn trứng cá mưng mủ nặng, bong vảy, để lại sẹo, kèm theo kém ăn, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhớt, mạch hoạt.
Đan chi tiêu dao tán gia giảm
Thành phần: Đan bì, hoàng cầm, sơn tra, tô ngạnh mỗi vị 8g, chi tử (sao) 6g, đương quy, sinh địa, phục linh, bạch truật mỗi vị 10g; bạch hoa xà thiệt thảo, nhân trần, bồ công anh mỗi vị 12g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.
Tác dụng: Điều nhiếp xung nhâm, thanh nhiệt giải uất.
Ứng dụng: Thích ứng với trường hợp mụn trứng cá do “xung nhâm thất điều” gây nên. Dạng bệnh này thường gặp ở phụ nữ, bệnh phát theo từng đợt, có tính chu kỳ - liên quan mật thiết với chu kỳ kinh nguyệt - mụn trứng cá xuất hiện nhiều hơn trước kỳ hành kinh.
Những nốt sẩn xuất hiện nhiều ở khu vực dưới má, thậm chí lan xuống cả cổ, nốt trứng cá thường bị mưng mủ, sưng tấy đỏ. Kèm theo các chứng trạng như kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng, vú căng tức khó chịu, người bực bội dễ cáu giận, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền sác (mạch căng như sợi dây đàn và rất nhanh).
Thuốc bôi, rửa bên ngoài
Bài 1: (mễ thố giác thích tiên): Dùng tạo giác thích (gai bồ kết) 30g, thêm giấm gạo 100ml, sắc lấy nước đặc, lọc bỏ bã. Dùng bông sạch thấm nước thuốc bôi vào chỗ da có mụn trứng cá, ngày 2-3 lần. Tác dụng: chữa mụn trứng cá bọc, mụn nước lở ngứa.
Bài 2: Dùng lá mướp non, giã nát, vắt lấy nước cốt, hoặc cắt quả mướp lấy dịch tiết ra từ lát cắt bôi lên chỗ da có mụn trứng cá. Cũng có thể tự chế loại thuốc bột: dùng vỏ quả mướp, sấy khô, tán thành bột mịn. Mỗi ngày, trước lúc nằm ngủ, lấy một ít bột thuốc trộn với rượu trắng, bôi lên những chỗ da bị mụn trứng cá.
Bài 3: Dùng bèo cái tía, thương nhĩ thảo - mỗi thứ 15g, sắc lấy nước, rửa mặt 2 lần sáng, tối, liên tục 10 ngày.
Bài 4: Dùng bạch chỉ 10 phần, phòng phong 5 phần, cúc hoa 5 phần, đan sâm 5 phần; tất cả tán thành bột mịn, trộn đều, cất vào lọ nút kín dùng dần. Sáng và tối dùng 5g bột thuốc sắc lấy nước đặc, bôi lên da mặt, sau 5 phút rửa sạch lại bằng nước sạch.
|